Cách điều trị phối hợp bệnh loạn năng thái dương hàm

Cách điều trị phối hợp bệnh loạn năng thái dương hàm

Điều trị phối hợp có nhiệm vụ bổ xung điều trị khớp cắn và phẫu thuật. Có tác động đến tâm lý – hệ thống nhai của bệnh nhân, góp phần cải thiện, thậm chí làm lành Loạn năng thái dương hàm.

Đôi khi cần một đa trị liệu phối hợp tại chỗ, toàn thân, tâm lý.

>>   Điều trị bệnh loạn năng thái dương hàm bằng máng nhai.

>>  Điều trị loạn năng thái dương hàm bằng  cách cân bằng khớp cắn vĩnh viễn

>>  Điều trị loạn năng thái dương hàm bằng : điều trị cấp cứu; Chọn lựa tư thế phục hồi khớp cắn; Nội soi 

>>  Điều trị phẫu thuật loạn năng thái dương hàm 

1. Điều trị tại chỗ: Gồm:

     – Chế độ ăn.

     – Thuốc.

     – Lý liệu pháp.

     – Tiêm thuốc tại chỗ.

     – Xoa bóp và liệu pháp vận động.

*     Chế độ ăn:

Giảm tối đa tần số và công suất nhai (không nhai kẹo cao su, không đồ cứng, ăn thức ăn mềm…..)

*     Thuốc:

Tùy theo triệu chứng đau, viêm, co thắt của Loạn năng thái dương hàm mà cho các loại thuốc khác nhau.

▫         Giảm đau: nhóm Salicylé và paracetamol, dùng đơn độc hay kết hợp với Dextropropoxyphène hoặc Codein.

▫         Chống viêm non – steroid: Ibuprofen, naprofen, fenbufen….. kết hợp tác dụng chống viêm và giảm đau mạnh.

▫         Chống co thắt: Chỉ định khi bệnh nhân có hội chứng cân cơ.

            + Thiocolchicoside: ống 4ml, tiêm bắp 1-2ống/ ngày tùy mức độ co thắt, trong vòng 10 ngày.

            + Baclofene (thuốc đặc hiệu cho hệ thống cơ chi phối bởi dây V): viên 10 mg 3-6 viên/ ngày, chia 2-3 lần, dùng liều tăng dần

            + Tetrazepam, Benzodiazepin myorelaxante: viên 50 mg 1-2v/ ngày, dùng liều tăng dần.

*     Lý liệu pháp:

Nhiều kỹ thuật có tác dụng làm giảm đau (áp lạnh, áp lực liệu pháp, kích thích điện bằng tiếp xúc hay xuyên qua da), chống viêm (nhiệt, siêu âm).

       Dùng nhiệu khô: Cho bệnh nhân đeo mặt nạ thích hợp, chiếu tia “Laser mềm” lên khớp và cơ đau. Chỉ định cho viêm khớp và co thắt cơ.

       Áp lạnh:

▫         Đặc biệt thích hợp cho hội chứng cân cơ, dùng nhiệt lạnh như một chất gây tê để làm thư giãn cơ dang co thắt.

▫         Gây tê lạnh (bằng Fluori – methane) phải được phun theo thớ cơ, bắt đầu từ chỗ đau và kết thúc ở vùng đau lan đến.

▫         Áp lạnh ngắn (<6 giây) với khoảng cách 45 mm, góc phun so với da là khoảng 300, tốc độ di chuyển là 10 cm/ giây, phun khoảng 2-3 lần. Mỗi đợt điều trị gồm 2-3 buổi hay hơn. Giãn cơ xuất hiện ngay lập tức và kéo dài lâu.

▫         Trường hợp co thắt cơ ở sâu thì áp lạnh được thay thế bằng tiêm tê Procain 0,5%.

       Áp lực liệu pháp:

Có tác dụng tương tự áp lạnh. Tạo áp lực lên vùng đau trong vòng vài phút sẽ gây tê và dẫn đến thư giãn cơ.

Siêu âm: dùng sóng băng tầng > 20 kHz, đạt tới hàng triệu Hz. Nó có tác dụng của nhiệt (nóng), cơ học (xoa nắn nhẹ) và giảm đau. điều trị hàng ngày, mỗi lần kéo dài 10 phút.

Kích thích điện tiếp xúc: Dựa trên cơ chế gác cổng của dẫn truyền thần kinh. xung điện ở da sẽ ức chế những xung điện nhận cảm tổn thương đến từ bộ máy nhai (kích thích tiết endorphine). Có hai dạng kích thích:

       + Cao tầng : sóng 50-100 Hz với cường độ yếu. Dòng điện sẽ kích thích những dẫn truyền hướng tâm không có hại A-b ở da. Theo Bell (1989) hiệu quả của điều trị khoảng 50-70%.

       + Tầng số thấp (điện châm cứu) : với cường độ cao và hiệu điện thế cao, nhằm kích thích những thụ thể nhận cảm tổn thương, để những thụ thể này hoạt hóa hệ thống chống tổn thương trong cơ thể. Hiệu quả sau 15 phút điều trị, hiệu quả giống loại sóng cao tầng, châm cứu, nhiệt liệu pháp.

       Kích thích điện qua da

Đặt hai điện cực xuyên qua da để truyền dòng điện. Lawrence dùng dọng điện 9-12 vol, tần số 50-60 Hz trong vòng 15 phút thì có hiệu quả hơn là kích thích điện tiếp xúc.

*     Tiêm thuốc tại chỗ:

       Có thể tiêm nhiều loại thuốc, trong đó một vài loại (corticoid) có nhiều tác dụng phụ nên phải thận trọng khi sử dụng.

       Gây tê tại chỗ:

Dùng các thuốc gây tê tại chỗ (không có thuốc co mạch) để tiêm xung quanh khớp và vào khớp (vùng sau đĩa) hay vào cơ (nhất là cơ chân bướm ngoài). Gây tê nhằm:

▫         Giảm cảm giác đau: Tiêm 1-3 ml thuốc tê tại chỗ xung quanh vùng nguyên nhân của hội chứng cân cơ, để làm hết triệu chứng đau, tiêm lặp lại cho đến khi hết đau hoàn toàn. Nếu sau 6 tháng vẫn không hết đau thì dùng phương pháp khác.

▫         Cắt đứt vòng phản xạ thần kinh cơ bệnh lý (bất hoạt thụ thể nhận cảm tổn thương của khớp và cơ).

▫         Tìm nguyên nhân đau do gây tê từng dây thần kinh và từng vùng.

Đối với cơ chân bướm ngoài thì tiêm tê là một phương pháp điều trị hỗ trợ tốt nhất. Nó cũng cho phép chẩn đoán xác định rối loạn tại cơ chân bướm ngoài. Tiêm tê những bó dưới của cơ chân bướm ngoài bằng đường trong miệng với một kim cong dài. Những bó trên có thể được gây tê qua da (sâu 3,5 – 4 cm) qua hõm Sigma, dùng kim nhỏ. Cùng với gây tê tại chỗ thì phải tìm nguyên nhân và điều trị.

       Tiêm tê được chỉ định trong:

       – Co thắt không di lệch đĩa khớp.

       – Trước khi nắn di lệch đĩa khớp không hồi phục mới.

       >> Tiêm corticoid:

Tiêm vào khớp corticoid loại tác dụng trung bình (Célestène: 3 mg, 0,5 ml) hay loại tác dụng chậm (Kénacort liều tương tự). Tiêm vào phần trên sau của khớp sau khi đã sát trùng kỹ và gây tê tại chỗ. Không dùng khi có chống chỉ định corticoid như loét dạ dày, hội chứng Cushing, tăng huyết áp, đái tháo đường và nhiễm trùng tại chỗ).

Tiêm vào khớp một mũi (tối đa 2 mũi) có thể cho kết quả tốt đối với đau, đặc biệt là ở người già.

Không được tiêm vào khớp nhiều lần, vì nó có thể gây đau do phản ứng dội, nguy cơ phá hủy mặt xương trong một thời gian ngắn (gây viêm khớp, xơ cứng khớp).

       >> Tiêm Hyaluronate Natri:

Kết quả tương tự corticoid nhưng ngắn hơn. những chất mới tìm ra như Tolmetin limosome có tác dụng dự phòng xơ khớp sau phẫu thuật.

       >> Tiêm chất gây xơ:

Được sử dụng trong quá khứ (Psylliate Natri) nhưng đã bị quên lãng do tác dụng phụ. Hiện nay người ta đã tái sử dụng do việc tìm ra những chất gây xơ mới (Tetradecyl Sulfate Natri: Sotradecol, Elkins-sinn) và khả năng tiêm những chất này dưới kiểm soát của nội soi khớp (2 ml loại 3%), tiêm vào lồi cầu thái dương ở những bệnh nhân trật khớp thái dương hàm tái diễn.

       Các phương pháp điều trị khác:

       – Trung bì liệu pháp: tiêm thuốc chống viêm vào lớp trung bì, tiêm nhiều lần để thuốc lan tỏa vào vùng đau.

       – Chuyển Ion liệu pháp: Nhằm đưa thuốc qua da một cách nhẹ nhàng, tuy nhiên có nguy cơ làm phỏng da.

       – Châm cứu.

*     Xoa bóp và liệu pháp vận động:

       Phương pháp này có nhiều ưu điểm, ngoài massage thì vận động liệu pháp có tác dụng điều trị tận gốc Loạn năng thái dương hàm, nó cũng là điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật hay sau chấn thương khớp thái dương hàm.

       Xoa bóp:

       Kích thích qua da bằng xoa bóp thường lam nhiều bệnh nhân thích, có thể phối hợp thêm các loại thuốc trong khi xoa bóp.

       Xoa bóp tạo điều kiện dẫn lưu bạch huyết, làm giảm phù nề và lành sẹo. Do tác dụng chống đau, mang lại sự thoải mái của thủ thuật.

       Liệu pháp vận động: Có mục đích làm biến mất các triệu chứng của Loạn năng thái dương hàm tại cơ và khớp, đồng thời nó có tác dụng phòng các sai lệch chức năng và chống xơ khớp (sau chấn thương và phẫu thuật).

       Có nhiều loại bài tập:

       – Bài tập phối hợp.

       – Bài tập thư giãn.         

       – Bài tập tăng sức mạnh cơ.

       – Bài tập sau phẫu thuật và chấn thương.

       Các bài tập phải được nha sĩ hướng dẫn.

2. Điều trị toàn thân:

Trong số những nguyên nhân toàn thân của Loạn năng thái dương hàm thì chỉ có thiếu Mg là có thể điều trị được. Liệu pháp Mg cho kết quả khả quan trong Loạn năng thái dương hàm.

  1. Điều trị tâm lý:

Yếu tố tâm lý phải được chú ý khi điều trị Loạn năng thái dương hàm. Các phương pháp điều trị riêng lẻ thì kém hiệu quả hơn là phối hợp với tâm lý liệu pháp.

Thuốc:

       Những thuốc an thần  như Diazepin cho phép thư giãn – giảm lo, tác động lên tâm lý đau. Quả vậy, đời sống tâm lý và sinh lý là 2 thành phần không thể tách rời của tình trạng đau.

       Những thuốc gây ngủ do tác dụng lên chu kỳ bình thường của giấc ngủ nên cũng có thể phản ứng lên tâm lý đau.

       Dùng thuốc chống trầm cảm khi bệnh nhân có hội chứng trầm cảm. tuy nhiên một vài hội chứng trầm cảm có thể chỉ có biểu hiện ở bộ máy nhai (trầm cảm thể ẩn) vì vậy các dẫn xuất của 3 vòng có thể mang lại hiệu quả rõ rệt.

Những liệu pháp khác:

       Tâm lý liệu pháp: Bác sĩ với đạo đức y học phải an ủi giải thích cho bệnh nhân tính chất lành tính của Loạn năng thái dương hàm. Những phương pháp điều trị tâm lý khác (thuốc ngủ, thay đổi thói quen….) cũng cho kết quả tốt. Những phương pháp này chủ yếu là giải thích cho bệnh nhân sống chung với đau, từ bỏ không tưởng loại bỏ đau.

       Thư giãn: là những điều trị đặc hiệu do bác sĩ tâm lý tiến hành. Ngoài ra còn có nhiều kỹ thuật khác cho kết quả rõ ràng như tự thư giãn khi tập Yoga.

       Phản hồi sinh học: là kỹ thuật rất thịnh hành ở Mỹ, cho phép bệnh nhân nhận biết được những rối loạn bộ máy nhai của họ (sai lệch chức năng……). chuyển động của cơ nhai được khống chế bằng các điện cực ngoài nối vào một máy hiện sóng hay một điện cực khuyết đại âm thanh. Bệnh nhân cố gắng đạt được một sự thư giãn cơ bằng cách tự theo dõi và nghe tình trạng co thắt cơ. Phương pháp điều trị này có hiệu quả điều trị rõ rệt hơn giả dược.

Kết luận:

       Điều trị phối hợp không thể thiếu trong điều trị Loạn năng thái dương hàm. Nó giúp cho bệnh nhân theo đuổi quá trình điều trị, cải thiện kết quả điều trị bảo tồn và phẫu thuật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
Hotline: 0903434340
Zalo: 0903434340